Nấm Candida miệng có thể gặp phải ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Nhiễm nấm miệng là sự phát triển và tấn công của nấm men trong niêm mạc miệng, lưỡi, sau đó lây lan sang nướu, amidan, hầu họng. Nếu không điều trị sớm nấm sẽ nhiễm sâu xuống đường tiêu hóa, gan phổi, thậm chí bị nhiễm nấm đa phủ tạng, đe dọa đến tính mạng. Vậy nhiễm nấm candida miệng - họng là gì, cách điều trị ra sao?
Nấm candida miệng là gì ?
Bệnh nấm candida miệng (còn gọi là bệnh tưa miệng) là dạng nhiễm trùng miệng - họng do sự phát triển quá mức của vi nấm Candida. Loại nấm này thường cư trú trên da và trong cơ thể, nhất là những khu vực ẩm ướt như miệng, họng, ruột hay âm đạo phụ nữ.
Tuy bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, lứa tuổi khác nhau nhưng nấm miệng Candida lại thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người già. Ngoài ra, người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mãn tính gây suy giảm đề kháng cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Nguyên nhân nhiễm nấm candida ở miệng do đâu?
Trên thực tế, nấm candida luôn tồn tại trong cơ thể người nhưng chỉ khi gặp điều kiện thuận lợi, sự cân bằng bị phá vỡ dẫn đến sự bùng phát và tấn công của nấm. Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida miệng bao gồm:
- Miễn dịch suy yếu nghiêm trọng: Trẻ sơ sinh và người già là nhóm đối tượng có đề kháng kém, ít có khả năng chiến đấu chống lại vi khuẩn gây bệnh. Những người bị ung thư, ghép tạng, HIV-AIDs…cũng là các đối tượng dễ bị nấm Candida tấn công.
- Lạm dụng kháng sinh: Những người điều trị lâu ngày với kháng sinh, thuốc chứa corticoid hoặc prednisone…gây mất cân bằng hệ vi khuẩn trong cơ thể.
- Người làm răng giả: Nhất là những người mang răng hàm giả trên thường xuyên bị khô miệng - cũng là một nguyên nhân gia tăng nguy cơ bị nấm miệng.
Nhận biết dấu hiệu bị nấm candida miệng điển hình
Bị nấm candida ở miệng nhận biết như thế nào? Triệu chứng điển hình của bệnh là sự xuất hiện của các mảng trắng hoặc mảng màu kem vàng ở lưỡi, nướu hoặc bên trong má. Những mảng này hơi gồ lên trông như những lát phô mai mỏng. Ngoài ra, các triệu chứng nấm candida miệng thường gặp ở cụ thể từng đối tượng như sau:
Nhiễm nấm candida ở miệng - họng trẻ sơ sinh
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị nấm miệng candida như thế nào? Nấm candida ở miệng trẻ em thường là những mảng trắng trên lưỡi và khoang miệng. Những tổn thương này gây đau và khiến trẻ khó khăn khi bú hoặc ăn.
Không chỉ vậy, trẻ bị nhiễm nấm candida ở miệng còn có thể lây sang vú của mẹ khi bú sữa. Nếu mẹ nhiễm nấm, đầu vú sẽ bị đỏ rát, viêm nứt và đau đớn.
Triệu chứng nhiễm nấm Candida ở miệng người lớn
Biểu hiện bị nấm candida ở miệng người lớn là gì? Đối với người lớn, triệu chứng có thể dễ dàng nhận biết thông qua các mảng trắng hoặc kem nổi lên ở bề mặt lưỡi.
- Cảm giác cộm vướng trong miệng
- Lưỡi sưng đỏ, ngứa rát, khi cạo các mảng trắng hay bị cọ xát mạnh có thể gây chảy máu
- Khó nuốt khi ăn uống, nuốt đau, thậm chí bị nghẹn nếu nấm tấn công xuống thực quản
- Khóe miệng bị đỏ ửng và nứt nẻ, đôi khi có hiện tượng chảy máu nhẹ
- Vị giác thay đổi, thậm chí bị mất vị giác
Hình ảnh nấm candida ở miệng chân thực nhất
Để nhận biết và phát hiện chính xác dấu hiệu bệnh, dưới đây là một số hình ảnh nấm candida khoang miệng chân thực mà người bệnh chớ nên bỏ qua.
Phác đồ điều trị nấm candida miệng an toàn, hiệu quả
Nấm candida trong miệng tuy không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây đau nhức, ngứa rát khu vực nhiễm nấm, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt ăn uống hàng ngày, thậm chí là sức khỏe. Vậy chẩn đoán và điều trị nấm candida miệng như thế nào?
Chẩn đoán nấm miệng Candida - bệnh tưa lưỡi
Các bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán nhiễm nấm candida khoang miệng hay họng thông qua quan sát và kiểm tra hình thái tổn thương ở bệnh nhân.
Trong nhiều trường hợp, để đưa ra chẩn đoán cụ thể bác sĩ có thể lấy mẫu nhỏ từ miệng, cổ họng đem đi soi dưới kính hiển vi, nuôi cấy hoặc sinh thiết vùng tổn thương.
Nếu tổn thương lan đến hạ họng, thực quản, phế quản, phổi thì sẽ cần tiến hành nội soi lấy mẫu, chụp thực quản đánh giá và đưa ra chẩn đoán, tiên lượng chính xác.
Cách điều trị nấm candida tại nhà
Trong dân gian truyền miệng rất nhiều mẹo chữa nấm candida miệng từ các nguyên liệu tự nhiên, có thể giúp diệt nấm, cải thiện triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị để đảm bảo an toàn và hiệu quả thật sự, ngăn ngừa biến chứng không đáng có.
Ăn tỏi :
Trong tỏi chứa lưu huỳnh, các hoạt chất alliin hay allicin với đặc tính kháng sinh thực vật, có khả năng tiêu diệt nấm candida gây tưa miệng.
Cách thực hiện: Ăn khoảng 4-5 tép tỏi tươi mỗi ngày, nên nhai sống trực tiếp để đạt hiệu quả tốt. Nếu sợ mùi hăng của tỏi thì có thể nấu chín tỏi hoặc pha trà tỏi uống hàng ngày.
Súc miệng với dầu dừa :
Dầu dừa có chứa chất béo tốt có khả năng ức chế nấm men candida gây nhiễm trùng khoang miệng, làm dịu kích ứng, tái tạo tế bào mới. Người bệnh có thể dùng dầu dừa súc miệng hàng ngày để giảm nhẹ các triệu chứng ngứa ngáy khó chịu do nấm gây ra.
Tinh dầu tràm trà :
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, tinh dầu tràm trà có khả năng ức chế nhiều loại vi khuẩn, nấm gây bệnh. Do vậy mà tinh dầu tràm trà cũng được nhiều người sử dụng để hỗ trợ điều trị nấm miệng.
Cách thực hiện: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, sau đó pha loãng 1-2 giọt tinh dầu với nước theo tỷ lệ 1:1. Dùng dung dịch vừa tạo thoa lên vùng tổn thương, giữ khoảng 20 phút sau đó súc miệng lại với nước muối.
Thuốc điều trị nấm candida miệng
Để điều trị nấm miệng Candida, bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ bệnh và kê đơn thuốc kháng nấm. Một số loại thuốc điều trị thường được kê đơn bao gồm:
- Miconazole
- Clotrimazole
- Nystatin
Thuốc được bào chế ở dạng viên ngậm hoặc viên uống, giúp điều trị nấm Candida từ mức độ nhẹ đến trung bình. Thời gian điều trị kéo dài từ 7-14 ngày tùy cơ địa đáp ứng và mức độ bệnh.
Với trường hợp nhiễm nấm miệng nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ xem xét thay thế các loại thuốc trên bằng Fluconazole hay Amphotericin B. Ngoài ra, một số ít trường hợp sẽ được khuyến nghị sử dụng Itraconazole, thường là bệnh nhân nhiễm nấm do nhiễm HIV-AIDs hoặc những người không đáp ứng điều trị các loại thuốc khác.
Đối với trường hợp nấm candida ở miệng trẻ em thì mẹ có nguy cơ nhiễm nấm vú rất cao. Bác sĩ sẽ tiến hành điều trị song song cả hai mẹ con để phòng ngừa tái nhiễm. Thuốc kháng nấm sẽ được kê đơn điều trị nấm miệng cho bé, còn với mẹ sẽ được kê đơn thuốc chống nấm dạng kem để bôi ngoài vú.
Xem thêm : Nấm Candida vùng kín : Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả
Cách phòng ngừa nấm Candida miệng hiệu quả
Ngoài việc thăm khám và điều trị nấm candida ở miệng theo phác đồ chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây để phòng ngừa bệnh hiệu quả.
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Nên đánh răng ít nhất 2 lần một ngày để ngăn ngừa nấm, vi khuẩn có cơ hội tấn công gây bệnh.
- Thay đổi bàn chải đánh răng thường xuyên, nhất là sau khi đã điều trị khỏi nấm miệng. Việc này giúp phòng ngừa tái nhiễm nấm candida.
- Tránh lạm dụng thuốc xịt hay nước súc miệng vì thành phần của chúng có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh khoang miệng.
- Kiểm soát, điều trị tích cực theo chỉ định với các bệnh lý tiểu đường, HIV,...
- Uống nhiều nước mỗi ngày, tránh để miệng bị khô.
- Cải thiện miễn dịch bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, luyện tập thể thao hàng ngày.
- Thăm khám nha khoa định kỳ, nhất là những người đang đeo răng giả. Bởi đây là nhóm đối tượng dễ bị nhiễm nấm miệng nhất.
Nấm miệng candida không khó để điều trị. Do đó nếu đang xuất hiện triệu chứng nghi ngờ nấm candida ở miệng, hãy nhanh chóng đi khám chuyên khoa, thực hiện xét nghiệm cần thiết để được điều trị sớm từ đầu, ngăn ngừa ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.