Những điều cần biết về thụ tinh trong ống nghiệm: Đối tượng, quy trình, chi phí
Thụ tinh trong ống nghiệm chắc hẳn không còn quá xa lạ đối với các cặp vợ chồng bị hiếm muộn, vô sinh, đang rất mong muốn có con. Quen thuộc là vậy, nhưng với các cặp vợ chồng mới tìm đến phương pháp thụ tinh nhân tạo này thì chưa có nhiều kinh nghiệm về việc điều trị hiếm muộn. Để giúp các cặp vợ chồng hiểu rõ hơn về thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm, dưới đây là những chia sẻ từ các chuyên gia đầu ngành chớ nên bỏ lỡ.
Thụ tinh trong ống nghiệm là gì??
Thụ tinh trong ống nghiệm - IVF (In Vitro Fertilization) là một phương pháp hỗ trợ sinh sản đối với các cặp vợ chồng bị hiếm muộn bằng hình thức để trứng và tinh trùng thụ tinh bên ngoài cơ thể.
Phôi thai được nuôi cấy trong ống nghiệm, sau khi đã thụ tinh thì được chuyển vào buồng tử cung của người vợ. Sau đó, phôi làm tổ, bắt đầu quá trình phát triển thành thai nhi như cơ chế thụ thai tự nhiên.
IVF được chứng minh là phương pháp y học mang đến hiệu quả cao nhất trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Đồng thời được xem là phương pháp cứu cánh cuối cùng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn vô sinh, sau khi đã trải qua các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác nhưng không thành công.
Đối tượng thụ tinh trong ống nghiệm là ai?
Theo các chuyên gia, không phải bất kỳ trường hợp bị hiếm muộn nào cũng thực hiện được thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm. Trên thực tế, IVF chỉ khả thi đối với các trường hợp vợ chồng có nguyên nhân vô sinh mà không làm mất khả năng thụ tinh của tinh trùng và trứng. Những đối tượng có thể áp dụng thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm:
- Người vợ bị viêm tắc ống dẫn trứng: Khi ống dẫn trứng bị tắc nghẽn khiến trứng khó gặp được tinh trùng hoặc trứng đã thụ tinh không thể di chuyển về buồng tử cung làm tổ.
- Phụ nữ bị rối loạn phóng noãn: Quá trình rụng trứng bị rối loạn cũng khiến quá trình thụ thai khó xảy ra.
- Phụ nữ bị suy buồng trứng sớm: Tình trạng phụ nữ bị suy giảm chức năng của buồng trứng trước tuổi 40, từ đó khiến buồng trứng không sản sinh được estrogen hoặc trứng không rụng.
- Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung: Nội mạc tử cung nằm lạc bên ngoài tử cung, từ đó ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng, ống dẫn trứng và tử cung, giảm tỷ lệ thụ thai.
- Phụ nữ đã thắt ống dẫn trứng: Khi phụ nữ đã triệt sản bằng cách thắt ống dẫn trứng, nhưng hiện tại muốn mang thai tiếp thì IVF chính là phương pháp tốt nhất cho bạn.
- Nam giới có tinh trùng yếu hay lượng tinh trùng thấp: Khi nồng độ tinh trùng của người chồng dưới mức trung bình, khả năng di động yếu hay có hình thái, kích thước bất thường…đều làm giảm khả năng thụ thai. Khi đó, bác sĩ có thể tư vấn vợ chồng bạn thực hiện IVF.
- Vô sinh không rõ nguyên nhân: Cả hai vợ chồng đều bị hiếm muộn vô sinh nhưng bác sĩ lại không thể xác định được nguyên nhân.
- Trường hợp đã bơm tinh trùng IUI thất bại nhiều lần cũng có thể được chỉ định thực hiện IVF.
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) như thế nào?
Điều được đa số các cặp vợ chồng quan tâm là thụ tinh trong ống nghiệm mất thời gian bao lâu, quy trình thực hiện như thế nào. Trên thực tế, tùy vào từng trường hợp mà thời gian thực hiện IVF sẽ có sự khác nhau, tuy nhiên quy trình vẫn gồm các bước dưới đây:
- Bước 1: Thăm khám lâm sàng, tư vấn, thực hiện xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản cho cả hai vợ chồng.
- Bước 2: Kích thích buồng trứng có tác dụng tạo nhiều nang noãn hơn đồng thời hình thành nhiều trứng tốt.
- Bước 3: Tiến hành chọc hút trứng, sau đó lấy trứng từ nang noãn ra ngoài. Khi thực hiện bước này, người vợ cần nhịn đói trước khi thực hiện chọc hút trứng.
- Bước 4: Tiến hành lấy tinh trùng của người chồng, thông thường thì tinh trùng và trứng sẽ được lấy cùng một ngày.
- Bước 5: Tạo môi trường thuận lợi để tinh trùng và trứng gặp nhau để tạo thành phôi theo cách tự nhiên. Một số trường hợp sẽ được bác sĩ áp dụng kỹ thuật ICSI - tiêm tinh trùng vào bào tương trứng để giúp hình thành phôi.
- Bước 6: Tiến hành nuôi cấy phôi tại phòng thí nghiệm. Thời gian để phôi được nuôi kéo dài 3-5 ngày tùy vào số lượng trứng được chọc hút, số lượng phôi cũng như chất lượng phôi.
- Bước 7: Sử dụng ống chuyển phôi để đưa phôi vào trong buồng tử cung. Thông thường, số phôi được chuyển trong 1 lần sẽ là 2 phôi, còn các phôi dư sẽ tiến hành lưu trữ lại. Nếu lần chuyển phôi đầu thất bại, các phôi đã được lưu trữ trước đó sẽ được sử dụng trong lần chuyển phôi tiếp theo.
- Bước 8: Sau 14 ngày chuyển phôi, người vợ sẽ được chỉ định xét nghiệm máu để xác định có mang thai không. Sau khi chuyển phôi, phụ nữ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, tuy nhiên nên kiêng vận động mạnh, làm việc nặng.
Thụ tinh trong ống nghiệm tỷ lệ thành công bao nhiêu?
Yếu tố quyết định đến tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đó là độ tuổi của người vợ. Theo thống kê của Hiệp hội Thai kỳ Hoa Kỳ, phụ nữ độ tuổi dưới 35 thì khi thực hiện IVF có tỷ lệ thành công từ 41-43%, còn phụ nữ 40 tuổi trở lên thì con số chỉ dừng lại ở 13-18%.
Nguyên nhân là do, tuổi càng cao thì chất lượng trứng của phụ nữ càng suy giảm, nhất là sau 30 tuổi. Do đó, đối với những phụ nữ trên 40 tuổi thì các bác sĩ thường sẽ tư vấn dùng trứng hiến tặng để gai tăng cơ hội thành công.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thành công của phương pháp IVF còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như:
- Quy trình IVF: Nếu quá trình thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm thuận lợi, đồng thời sức khỏe của người vợ hoàn toàn bình thường thì tỷ lệ thụ thai thành công sẽ cao hơn.
- Trạng thái phôi: Chất lượng phôi được chọn để cấy vào buồng tử cung sẽ quyết định rất lớn đến tỷ lệ thành công của phương pháp.
- Lịch sử sinh sản: Phụ nữ đã từng sinh con thì khả năng thành công khi thực hiện IVF sẽ cao hơn. Tỷ lệ thành công sẽ càng giảm nếu người này đã tiến hành hỗ trợ sinh sản nhiều lần bị thất bại.
- Nguyên nhân gây vô sinh: Trứng có chất lượng bình thường sẽ càng làm tăng tỷ lệ thụ thai thành công của IVF. Ngoài ra, phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung sẽ có tỷ lệ mang thai nhờ IVF thấp hơn phụ nữ vô sinh không rõ nguyên nhân.
- Lối sống sinh hoạt: Phụ nữ có thói quen hút thuốc thì tỷ lệ thành công khi làm IVF sẽ giảm xuống 50%. Ngoài ra, béo phì cũng có thể làm giảm tỷ lệ thụ thai và sinh con. Việc lạm dụng thuốc kích thích, rượu bia, caffeine cũng làm giảm nguy cơ đáng tiếc.
Những tác dụng phụ của thụ tinh trong ống nghiệm
Thụ tinh trong ống nghiệm có ảnh hưởng gì không? Các chuyên gia cho biết, những ảnh hưởng từ phương pháp hỗ trợ sinh sản này thường chỉ xảy ra ở người phụ nữ và sau khi phôi được cấy vào tử cung.
Những tác dụng phụ được ghi nhận bao gồm đau bụng nhẹ, dịch âm đạo có dính ít máu, chướng bụng. Tuy nhiên, nếu thấy đau vùng chậu, xuất huyết âm đạo, tiểu máu, sốt cao thì nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ.
Những hiện tượng có thể xảy ra sau khi thực hiện thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm bao gồm:
- Mang đa thai: Khi thực hiện IVF, nhiều phôi sẽ được chuyển vào buồng tử cung nhằm tăng cơ hội mang thai nhưng cũng có thể gây hiện tượng mang đa thai. Theo nguồn đáng tin cậy, có khoảng 20% trường hợp mang thai nhờ IVF đều là mang đa thai.
- Hội chứng kích thích buồng trứng: Việc dùng thuốc kích thích trứng rụng quá nhiều có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng, gây sưng, đau, thậm chí làm giảm dần chức năng của buồng trứng.
- Sảy thai: Tỷ lệ thất bại khi IVF dùng phôi tươi lên đến 15-25% và con số này sẽ tăng lên theo số tuổi người phụ nữ. Do đó, khi sử dụng phôi đông lạnh thực hiện IVF có thể tăng nguy cơ sảy thai.
- Thai ngoài tử cung: Có khoảng 2-5% phụ nữ thực hiện IVF sẽ gặp phải hiện tượng thai ngoài tử cung.
- Stress: Thực hiện IVF không chỉ tốn kém tiền bạc và thời gian, việc thất bại nhiều lần còn khiến vợ chồng bạn mệt mỏi, kiệt quệ về cả tinh thần và vật chất.
Chi phí thụ tinh trong ống nghiệm hết bao nhiêu tiền?
Thụ tinh trong ống nghiệm chi phí hết bao nhiêu? Mỗi cơ sở y tế sẽ có mức giá khác nhau, trung bình dao động từ 40-100t triệu/ ca. Ngoài ra, thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm ivf giá bao nhiêu còn phụ thuộc vào chi phí thăm khám, xét nghiệm thực hiện, số chu kỳ thực hiện, phác đồ điều trị…mà từng cơ sở đưa ra.
- Chi phí xét nghiệm: Trước khi làm IVF, cả hai vợ chồng cần phải thực hiện các xét nghiệm đánh giá sức khỏe và khả năng sinh sản, các xét nghiệm sẽ tuân theo các chỉ định của bác sĩ.
- Chi phí làm hồ sơ: Chi phí này mặc dù không lớn nhưng cũng là một khoản trong chi phí thụ tinh trong ống nghiệm.
- Thuốc kích trứng: Người vợ được tiêm thuốc kích trứng và được theo dõi trứng rụng. Chi phí kích trứng cũng nằm trong danh mục giá thụ tinh bằng ống nghiệm IVF.
- Chọc hút trứng: Thụ tinh bằng ống nghiệm giá bao nhiêu sẽ bao gồm cả chi phí chọc hút trứng. Thông qua máy móc thiết bị hiện đại, người vợ sẽ được tiến hành chọc hút trứng nhằm chuẩn bị quá trình tạo phôi.
- Tạo phôi: Đây là một bước rất quan trọng trong quy trình IVF và sẽ tốn một khoản chi phí khá lớn.
- Chi phí khác: Chi phí ăn ở, chi phí đi lại, nằm viện…
Trên thực tế, có nhiều trường hợp người vợ được phát hiện bị dính buồng tử cung sau khi khám, dẫn đến tình trạng đã làm IVF nhiều lần nhiều nơi nhưng vẫn không có con. Do đó, trước khi tiến hành IVF, các bác sĩ cần phải tiến hành mổ nội soi để tách dính buồng tử cung để mang lại tỷ lệ thụ thai bằng IVF cao nhất có thể. Như vậy, chi phí khám, tư vấn và điều trị hiếm muộn vô sinh đối với các trường hợp này sẽ bao gồm cả chi phí mổ nội soi.
Bài viết hy vọng bạn đã hiểu rõ nhất những vấn đề liên quan đến thụ tinh trong ống nghiệm. Từ đó có những chuẩn bị tốt nhất cho bản thân trong con đường đón con yêu.